Khung năng lực Agile Coach

Khung năng lực Agile Coach
Vai trò và trách nhiệm của Agile Coach thường không được định nghĩa một cách rõ ràng. Agile Coach thường làm nhưng công việc gì và cần những kỹ năng gì?
Khung năng lực Agile Coach

Agile Coach là ai?

Vai trò và trách nhiệm của Agile Coach thường không được định nghĩa một cách rõ ràng. Rất nhiều người có những thắc mắc giống nhau: Agile Coach và Scrum Master khác nhau như thế nào? Agile Coach có giống nhà khai vấn chuyên nghiệp được đinh nghĩa bởi ICF (International Coach Federation)? Agile Coach thật sự là ai và làm nhưng công việc gì? Agile Coach cần những kỹ năng gì?

Bài viết này sẽ làm rõ khung năng lực của một Agile Coach theo định nghĩa của ACI (Agile Coaching Institute)

Khung năng lực Agile Coach

Khung năng lực Agile Coach của ACI bao gồm 8 năng lực và một lập trường Coaching (Coaching stance)

I-Nhóm năng lực về lĩnh vực chuyên môn

Lĩnh vực chuyên môn gồm có 3 nhóm năng lực hiển thị bằng màu xanh lục nhạt trong sơ đồ:

  • Technical Mastery: Thông thạo kỹ thuật liên quan đến bản chất kỹ thuật của phát triển phần mềm
  • Business Mastery: Thông thạo kinh doanh liên quan đến chiến lược, hoạt động, quy trình và đổi mới sản phẩm.
  • Transformation Mastery: Thông thạo chuyển đổi liên quan đến dẫn dắt sự thay đổi, thay đổi tổ chức, thúc đẩy và giúp các tổ chức chuyển đổi và cải tiến.

Lưu ý: Thuật ngữ “thành thạo” được sử dụng ở đây không có nghĩa là Agile Coach phải đạt đến mức độ thành thạo tất cả các năng lực này. Mặc dù vậy, Agile Coach thường phải có kiến thức sâu về các năng lực này và hướng tới sự thành thạo như một hành trình. Agile Coach có thể hướng đến mô hình năng lực hình chữ T, nghĩa là thành thạo một lĩnh vực, và có kiến thức trong các lĩnh vực khác.

II-Nhóm năng lực thiên về nội dung

Nhóm năng lực thiên về nội dung liên quan khả năng truyền đạt kiến thức (hoặc nội dung) được hiễn thị bằng màu xanh lam bên trái trong biểu đồ.

Dạy học (Teaching) là truyền tải đúng kiến thức, đúng thời điểm, đúng phương pháp để các cá nhân, nhóm, tổ chức tiếp thu và sử dụng kiến thức có lợi nhất cho mình.

Cố vấn hay kèm cặp (Mentoring) là tạo điều kiện cho những người khác học hỏi, phát triển và trở thành những chuyên gia giỏi hơn, hoặc nhóm đạt kết quả tốt hơn. Một người cố vấn giỏi không chỉ cung cấp câu trả lời mà còn xây dựng năng lực cho người được cố vấn.

III-Nhóm năng lực thiên về quy trình

Nhóm năng lực thiên về quy trình liên quan đến khả năng hỗ trợ (Facilitating) và khai vấn chuyên nghiệp (Professional Coaching) được hiển thị phía bên phải của biểu đồ.

Khai vấn (Coaching) và hỗ trợ (Facilitating) là hai nhóm kỹ năng có liên quan với nhau. “Coach” hay “Facilitator” là người thực thi quy trình chứ không phải là người đưa ra ý kiến chuyên gia. Ví dụ, trong coaching nhóm, mục tiêu là do nhóm đưa ra và bạn thực sự tin rằng nhóm có thể giải quyết các vấn đề họ gặp phải. Bạn làm việc với nhóm để giúp nhóm giải quyết những vấn đề đó bẳng chính kiến thức và giải pháp của chính họ, điều đó sẽ giúp nhóm trở nên tốt hơn.

Facilitator là người giữ lập trường trung lập, người có thể tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận trong nhóm để ra quyết định hoặc tìm kiếm giải pháp, nhưng không phải là người đưa ra gợi ý hoặc gây ảnh hưởng lên kết quả.

IV-Năng lực thực hành các lý thuyết và phương pháp Agile, Lean

Đây là nhóm năng lực có nhiều training dành cho Agile Coach nhất. Trên thực tế, nó thường là lĩnh vực kiến thức và kỹ năng duy nhất được các Agile Coach quan tâm. Điều này có thể hiểu được khi các Agile Coach mới bắt đầu công việc. Tuy nhiên, theo thời gian, điều này là không đủ và có nhiều hạn chế. Thứ nhất, kiến thức Agile là khả năng hiểu sâu sắc các phương pháp và nguyên tắc của Agile và Lean, không chỉ ở mức độ các thực hành mà còn ở các nguyên tắc và giá trị cơ bản. Thứ hai, năng lực ứng dụng Agile là khả năng sử dụng các thực hành Agile và Lean cho các nhóm và các tổ chức thật, khả năng đổi mới các thực hành cho phù hợp với từng tình huống nhưng vẫn tuân theo các nguyên tắc và giá trị cơ bản.

Tâm thế khai vấn

Tâm thế khai vấn là trung tâm của khung năng lực Agile Coach. Theo ACI, tâm thế là nơi chúng ta bắt đầu, và cũng là nơi chúng ta quay về, là tâm thế của Agile Coach khi sử dụng bất kỳ năng lực nào. Nếu không có tâm thế khai vấn, công việc của một Agile Coach có thể bị thao túng, lôi kéo, điều khiển bởi những mong muốn của bản thân, ngay cả khi những mong muốn đó có vẻ tốt lành và được tin là là vì “lợi ích tốt nhất” của khách hàng.

Theo ACI, trong khai vấn lời nói của Agile Coach phải duy trì tính trung lập, dựa trên nhu cầu của khách hàng, giảm sự phụ thuộc của khách hàng, không thông đồng và có hiện diện bản sắc riêng.

1-Duy trì sự trung lập

Agile Coach phải đảm bảo không thể hiện ra ngoài lựa chọn yêu thích của mình như khi nhóm đang thảo luận về một vấn đề hoặc một cá nhân đang giải quyết vấn đề gì đó với sự giúp đỡ của bạn. Tính trung lập thể hiện khá rõ cho công việc facilitating hoặc khai vấn, nhưng cũng được yêu cầu ngay cả ở khung năng lực giảng dạy và cố vấn. Tính trung lập thậm chí còn thể hiện ở việc hỗ trợ khách hàng có lựa chọn sử dụng Agile hay không.

2-Làm theo nhu cầu của khách hàng

Khách hàng ở đây có thể là một cá nhân, một nhóm, một bộ phận trong tổ chức, hoặc toàn bộ tổ chức. Nội dung khai vấn không đến từ Agile Coach mà được đưa ra từ khách hàng. Agile Coach phải có niềm tin cơ bản: Khách hàng là những chuyên gia trong cuộc sống hay đội nhóm, tổ chức của họ - họ có thể đưa ra lựa chọn của riêng mình.

3-Giảm sự phụ thuộc của khách hàng

Mọi thứ mà Agile Coach làm là nhằm mục đích chuyển giao thực hành, kỹ năng, tư duy hoặc giá trị cho khách hàng, cố gắng tạo ra một hệ sinh thái Agile lành mạnh có khả năng tự giám sát, tự sửa chữa và tự duy trì. Ví dụ, các Agile Coach bên ngoài nên giúp tổ chức xây dựng khả năng để phát triển các Agile Coach nội bộ. Agile Coach nội bộ nên xây dựng khả năng cho các Agile leaders và các nhóm Agile, tin tưởng rằng sẽ luôn có nhiều thách thức hơn và tốt hơn để đối mặt.

4-Không thông đồng

Agile Coach không thông đồng với mong muốn của khách hàng để giải quyết các trục trặc hoặc hạn chế của họ. Nếu khách hàng điều chỉnh phương pháp Agile đã chọn của họ để tránh phải phơi bày một số vấn đề tồn tại, thì Agile Coach sẽ làm rõ những gì đang thực sự xảy ra, phản ánh tình hình hiện tại, nhưng không ủng hộ hoặc phán xét. Agile Coach không “đồng hành” với thỏa hiệp mà thay vào đó, nhìn nhận tình hình hiện tại như thế nào, cảm nhận khách hàng ở vị trí của họ, đưa ra tầm nhìn và tiếp tục công việc khai vấn một cách đồng cảm nhưng không nhượng bộ.

5-Sự hiện diện mang bản sắc riêng

Agile Coach phải có bản sắc riêng của mình, cách thể hiện cá nhân trong việc khai vấn, giữ vững tâm thế khi cần thiết và đáng tin cậy trong khi thực hiện vai trò của họ.

Cuối cùng, các tâm thế huấn luyện ở trên là yêu cầu bắc buộc với một Agile Coach. Phần lớn chúng được chắt lọc và mượn từ tổ chức khai vấn quốc tế ICF.

Lời kết

Agile Coach khác với nhà khai vấn được định nghĩa bởi các tổ chức khai vấn chuyên nghiệp như ICF. Agile Coach cần nhiều kỹ năng khác nhau để hoàn thành công việc, bao gồm teaching, coaching, mentoring, facilitating. Điều này cũng dễ hiểu, vì Agile Coach trước hết phải là chuyên gia về lý thuyết và thực hành Agile. Đồng thời Agile Coach phải có kỹ năng để hướng dẫn và huấn luyện cá nhân, đội nhóm, tổ chức chuyển đổi và áp dụng thành công các mô hình làm việc theo Agile.

Các bạn có thể đặt lịch coaching với khiêm tại https://calendly.com/khiemhuynh/coaching

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này.

Nếu bạn có câu hỏi, đánh giá, hay góp ý cho tác giả, xin vui lòng để lại comment bên dưới.

About Khiem Huynh
About Khiem Huynh

Khiêm có hơn 13 năm thực hành Agile Scrum, là một chuyên gia Scrum đã sở hữu chứng chỉ PSM III. Là Agile Coach có nhiều năm kinh nghiệm làm việc toàn thời gian cho các công ty và tập đoàn đa quốc gia ở các lĩnh vực khác nhau, Khiêm có sự linh hoạt trong cách tiếp cận để phù hợp với đặc thù từng nhóm dự án, môi trường kinh doanh và văn hóa của tổ chức.