Các cấp độ Scrum Master

Các cấp độ Scrum  Master
Scrum yêu cầu Scrum Master phải có trách nhiệm phục vụ nhóm Scrum, Product Owner và tổ chức. Để làm được điều này, Scrum Master cần thời gian để tiến hóa.
Các cấp độ Scrum Master

Mở đầu

Khi mô tả các trách nhiệm của Scrum Master, Scrum Guide đề cập đến 03 phạm vi trách nhiệm như sau:

  1. Các trách nhiệm phục vụ Scrum Team
  2. Các trách nhiệm phục vụ Product Owner
  3. Các trách nhiệm phục vụ tổ chức

Tuy nhiên, để hoàn thành tốt các yêu cầu này Scrum Master cần thời gian tích lũy kinh nghiệm và tiến hóa. Scrum Master càng trưởng thành thì phạm vi ảnh hưởng càng lớn, lợi ích mang lại cho nhóm, dự án, tổ chức càng nhiều. Dưới đây là các cấp độ tiến hóa của một Scrum Master.

 

Cấp độ 1 (Thư ký nhóm)

Ở nhiều tổ chức, một thành viên của nhóm phát triển sản phẩm thường là ‘trưởng nhóm’ hoặc người có nhiều kinh nghiệm trong nhóm được bầu làm Scrum Master. Người này thường đã chứng tỏ được năng lực trong việc sắp xếp, tổ chức công việc, nên được tin tưởng sẽ làm tốt công việc Scrum Master. Ở cấp độ này, Scrum Master thường dành phần lớn thời gian cho công việc kỹ thuật, đồng thời giúp nhóm làm các công việc “hành chính” như cập nhật Sprint Backlog, Sprint Burndown, chuẩn bị cho Sprint Planning, etc… Các công việc này giống như công việc của một ‘thư ký’ nhóm.

Scrum Master này thường thấy ở các nhóm dự án tự tìm hiểu Scrum và mới bắt đầu áp dụng một vài thực hành Scrum.

Cấp độ 2 (người tổ chức)

Scrum Master ở cấp độ thứ 2 đã hiểu rõ các quy tắc của Scrum và hướng mọi người trong nhóm tuân theo các quy tắc đó. Tuy nhiên, việc triển khai Scrum còn máy móc, mọi người làm theo nhưng không thực sự hiểu rõ ý nghĩa của chúng. Scrum Master thường là người tổ chức các sự kiện Scrum, tập trung vào việc đảm bảo rằng tất cả các sự kiện Scrum được diễn ra theo đúng quy tắc.

Ở nhiều tổ chức, Scrum Master vẫn dành thời gian để hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên khác nên ở cấp độ này Scrum Master chủ yếu vẫn tập trung vào nhóm Scrum của mình. Tuy nhiên, khác với cấp độ đầu tiên Scrum Master đã có thể hỗ trợ hoặc gây ảnh hưởng nhiều hơn đến Product Owner.

Đây là cấp độ Scrum Master phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam, thường thấy trong các nhóm dự án được huấn luyện đầy đủ về Agile, Scrum nhưng áp dụng chưa quá lâu.

Cấp độ 3 (Người huấn luyện)

Scrum Master ở cấp độ này giúp các thành viên nhóm Scrum hiểu rõ, tôn trọng và thực hành các giá trị Scrum (Tôn trọng, Cởi mở, Can đảm, Tập trung, Cam kết). Scrum Master không chỉ là chuyên gia về Scrum mà còn nắm vững các nguyên lý Agile, các phương pháp thực hành Agile khác nhau. Scrum Master cũng tiến hóa ở các kỹ năng mềm khác như kỹ năng lắng nghe, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tạo động lực, kỹ năng huấn luyện (coaching), kỹ năng đào tạo, etc.

Với các kỹ năng và kinh nghiệm có được, Scrum Master không chỉ giúp nâng cao hiệu suất làm việc của nhóm Scrum mà còn hỗ trợ các nhóm Scrum khác và cả tổ chức trong việc áp dụng thành công Scrum.  

Đây chính là hình mẫu Scrum Master được mô tả trong Scrum Guide. Cách đây vài năm, ở Việt Nam không nhiều Scrum Master làm việc ở cấp độ này.  Tuy nhiên, gần đây xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, kéo theo nhiều công ty mạnh dạn áp dụng Agile, Scrum một cách bài bản và thị trường đang xuất hiện một thế hệ Scrum Master đúng nghĩa.

Lời kết

Trên đây là các cấp độ Scrum Master được đưa ra theo quan điểm riêng của tác giả dựa trên thực tế các công ty ở Việt Nam hiện nay. Xin lưu ý, Scrum hoàn toàn không phân chia ‘cấp bậc’ Scrum Master mà yêu cầu mọi Scrum Master đều phải tập trung phục vụ ba đối tượng như đề cập trong phần mở đầu.

Ngoài ra, thực tế ở Việt Nam hầu hết Scrum Master ở cấp độ 3 cũng chỉ gây ảnh hưởng đến mức độ ‘đa nhóm’ (các nhóm Scrum khác trong cùng dự án, sản phẩm lớn) chứ ít khi làm việc tới quy mô tổ chức. Thông thường, chịu trách nhiệm ở quy mô tổ chức sẽ là Agile Coach, một vị trí chưa phổ biến lắm trong các công ty ở Việt Nam và nằm ngoài phạm vi của bài viết này.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này.

Nếu bạn có câu hỏi, đánh giá, hay góp ý cho tác giả, xin vui lòng để lại comment bên dưới.

About Khiem Huynh
About Khiem Huynh

Trên vai trò Agile Coach, Khiêm hỗ trợ các phòng ban và quản lý nội bộ tại tổ chức của mình nâng cao hiệu suất làm việc và tư duy đổi mới thông qua các giải pháp Agile linh hoạt. Với hơn 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển phần mềm và ngành Dược, cùng khả năng phân tích vấn đề nhanh chóng và tư duy chiến lược, Khiêm đã giúp các đội nhóm cải thiện sự gắn kết, đổi mới tư duy, và đạt được những kết quả vượt mong đợi.