Scrum Master: Nhóm bầu hay chỉ định?

Scrum Master: Nhóm bầu hay chỉ định?
Nhóm tự bầu Scrum Master hay Scrum Master được chỉ định? Làm thế nào để lựa chọn được người phù hợp nhất?
Scrum Master: Nhóm bầu hay chỉ định?

Việc lựa chọn Scrum Master có thể ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của việc áp dụng Scrum của nhóm. Chọn sai người khiến nhóm sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể trở thành nhóm tự tổ chức. Ngược lại việc chọn đúng người sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho nhóm, các thành viên cũng như tổ chức.

Vậy làm thế nào để lựa chọn được người phù hợp nhất? Nên chọn từ một thành viên trong nhóm hay một người từ phòng, ban, nhóm khác? Nhóm tự bầu Scrum Master hay Scrum Master nên được chỉ định?

Tôi từng khuyên các thành viên trong nhóm phát triển tự chọn Scrum Master cho họ sau khi đảm bảo rằng người được chọn cũng sẵn sàng đảm nhận. Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát tôi thấy cách tiếp cận này có nhiều điểm không ổn và thiếu hiệu quả. Bằng chứng là mức độ hiểu biết các thực hành Agile và áp dụng Scrum trong nhóm không có nhiều thay đổi. Nhóm vẫn làm theo thói quen, và lâu dần vai trò Scrum Master trở nên rất mờ nhạt.

Scrum Master cho các nhóm Scrum mới

Mike Cohn, đồng sáng lập Scrum Alliance cho rằng đối với các nhóm mới, các thành viên hay bị cám dỗ bỏ qua các thực hành quan trọng như không làm Daily Scrum hàng ngày, hay bỏ qua cuộc họp retrospective ở cuối Sprint. Nhóm Scrum ở giai đoạn này cần có một Scrum Master kiểu “telling”, người có thể đưa ra nhiều quyết định, những chỉ dẫn cụ thể để nhóm làm theo.  Do vậy, để cho nhóm tự chọn Scrum Master không phải là một giải pháp tốt.

Tôi có cùng quan điểm với Mike Cohn ở vấn đề này.

Scrum Master cho các nhóm Scrum đã làm việc một thời gian

Ngược lại, khi một nhóm mà trong đó các thành viên đã có nhiều thời gian làm việc với nhau, đã thoải mái tương tác và tuân thủ các quy tắc chung, theo Mike Cohn, các thành viên trong nhóm có thể tự chỉ định Scrum Master.

Tôi không hoàn toàn đồng quan điểm với Mike Cohn ở vấn đề này.

Lý do ở chổ, ngay cả ở một nhóm Scrum mà các thành viên có thời gian làm việc và hiểu nhau, nhưng chưa hẳn họ đã hiểu đúng về vai trò của Scrum Master. Điều gì xảy ra, nếu họ chỉ lựa chọn Scrum Master dựa trên tiêu chí là người vui vẻ, hòa đồng nhất, hoặc đôi khi là người có chuyên môn tốt nhất. Điểu tồi tệ hơn nữa là người được chọn không hiểu đúng vai trò của Scrum Master và vẫn làm theo thói quen theo hướng tránh làm xáo trộn những thứ ở hiện tại.

Vậy, ai nên chọn Scrum Master?

Theo tôi, không nhất thiết phải chỉ định Scrum Master, nhưng cũng không nên trao quyền cho nhóm tự quyết định hoàn toàn. Thay vì vậy, tôi khuyến khích xây dựng quy trình phỏng vấn nội bộ để lựa chọn Scrum Master. Quy trình gồm có các bước như sau:

  • Bước 1: Thông tin với cả nhóm về vai trò, trách nhiệm, và yêu cầu năng lực của Scrum Master
  • Bước 2: Khuyến khích các thành viên tự ứng cử nếu thấy phù hợp
  • Bước 3: Tổ chức phỏng vấn nội bộ để lựa chọn Scrum Master

Việc phỏng vấn nội bộ nhằm đánh giá sự phù hợp, xác định khoảng trống về năng lực làm Scrum Master của ứng viên. Điều này mang lại 02 lợi ích căn bản: một là tìm được người phù hợp nhất, hai là xác định những kỹ năng nào còn thiếu để giúp thành viên đó tiếp tục cải thiện để làm tốt vai trò Scrum Master trong tương lai.

Lời kết

Scrum Master giúp xây dựng các nhóm tự tổ chức và hiệu suất cao. Do đó, việc lựa chọn Scrum Master phù hợp có vai trò rất quan trọng. Trong bất kỳ tình huống nào, người được chọn phải là người hiểu rõ Scrum, Agile và mong muốn phát triển nghề nghiệp theo hướng Scrum Master. Mỗi tổ chức có thể các những quy trình riêng, tuy nhiên vị trí Scrum Master không nên trao quyền quyết định hoàn toàn cho nhóm phát triển hay Product Owner.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này.

Nếu bạn có câu hỏi, đánh giá, hay góp ý cho tác giả, xin vui lòng để lại comment bên dưới.

About Khiem Huynh
About Khiem Huynh

Khiêm có hơn 13 năm thực hành Agile Scrum, là một chuyên gia Scrum đã sở hữu chứng chỉ PSM III. Là Agile Coach có nhiều năm kinh nghiệm làm việc toàn thời gian cho các công ty và tập đoàn đa quốc gia ở các lĩnh vực khác nhau, Khiêm có sự linh hoạt trong cách tiếp cận để phù hợp với đặc thù từng nhóm dự án, môi trường kinh doanh và văn hóa của tổ chức.